Tương lai của Business Analyst
Với các bạn trẻ hiện nay, cái tên BA (Business Analyst) ắt hẳn đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, vị trí BA thực chất sẽ làm những gì, cơ hội thăng tiến ra sao và tầm nhìn tổng quan về nhu cầu của xã hội như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Khái niệm về Business Analyst (BA)
Business Analyst được hiểu là "Chuyên viên phân tích nghiệp vụ", viết tắt là "BA". Người ở vị trí này sẽ giữ trọng trách là cầu nối giữa bộ phận kỹ thuật và kinh doanh với khách hàng. BA phải thu thập thông tin từ phía khách, kèm theo các yêu cầu mà khách hàng đặt ra sau đó chuyển tới QC, Developer. BA sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu để đưa ra lời tư vấn, những giải pháp khả thi cả cho khách hàng lẫn cho đội ngũ.
Với vị trí BA, bạn sẽ có 2 hướng đi chính là
- Functional Consultant (còn được gọi là ERP Consultant): Yêu cầu hiểu rõ hệ thống, coding, cũng như về Big Data, kinh doanh và quản trị dữ liệu
- PM (Project Manager): Như tên gọi “Quản lý dự án”, PM sẽ theo hướng đi quản lý tổng thể về khả năng, tiềm lực, ngân sách của công ty, nhằm xây dựng dự án và quy trình thực hiện dự án. Hơn nữa, một PM phải có khả năng quản trị rủi ro và những khó khăn khi thực hiện dự án.
Công việc thực tế
Những lý thuyết suông có lẽ luôn đơn giản, tuy nhiên để "thực hành" thành công, còn tùy thuộc rất nhiều vào các kỹ năng cần thiết. Công việc cụ thể của BA sẽ gồm những trách nhiệm như sau:
- Tiếp nhận ý kiến của khách hàng, là người trực tiếp đối thoại và lắng nghe những vấn đề của khách hàng. Từ đó có thể đưa ra giải pháp, đề xuất những phương án hợp lý theo yêu cầu của khách.
- Tiến hành truyền đạt thông tin trong phạm vi nội bộ công ty, chuyển giao ý kiến đến doanh nghiệp/ khách hàng.
- Nắm rõ, liên tục cập nhật những thay đổi về hệ thống để có thể trình bày cho khách hàng, nhằm thể hiện sự chuyên nghiệp không chỉ của cá nhân mà còn của công ty trong quá trình thực hiện dự án.
Con đường thăng tiến
Việc định hướng tốt sẽ đi đôi với cơ hội rộng mở. Với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin đang được chú ý hơn cả. Vì thế, nếu nhắm tới những công ty thuộc lĩnh vực IT tiềm năng, con đường phát triển và lộ trình của nghề BA rất bài bản và rõ ràng, cụ thể như sau:
Level 1: Entry
- Dành cho những bạn thực tập, mới ra trường chưa có kinh nghiệm hoặc ít kinh nghiệm muốn thử sức và thay đổi cơ hội nghề nghiệp.
- Điều kiện ở mức độ này là bạn phải có định hướng và lý thuyết căn bản để xin việc, có các kỹ năng mềm cần thiết để nhìn nhận và phân tích tình huống. Cấp độ nhân sự này thường sẽ được bố trí chung với nhân sự ở cấp độ cao hơn để học hỏi và cải thiện kỹ năng.
Level 2: Junior BA
- Mức độ này thường dành cho những bạn đã có 1-3 năm kinh nghiệm.
- Nhân sự ở mức độ này phải có khả năng làm việc độc lập, nắm rõ những kiến thức cơ bản về BA. Thành thạo trong việc xử lý vấn đề cũng như đối thoại với khách hàng.
Level 3: Senior BA
- Với Senior, bạn phải đạt sự “thông thái” trong nghề, thường trên 3 năm kinh nghiệm.
- Tùy vào hướng phát triển, Senior BA có thể chọn lựa hướng đi cho mình: Quản lý, vận hành hoặc chiến lược.
“Vũ khí” trước khi ra trận
- Tiêu chí hàng đầu để trở thành một BA đó là kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng này có thể dễ thấy ở những người không chuyên IT hoặc sẵn có thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh, Marketing. Nhưng những bạn thuộc lĩnh vực IT có khả năng giao tiếp chưa tự tin vẫn có thể trau dồi và cải thiện.
- Khả năng tiếng Anh - đặc biệt là giao tiếp - cần đạt trình độ Advanced để đủ tự tin giao tiếp với khách hàng quốc tế. Các BA sẽ đảm nhận “trọng trách” tổ chức và chủ trì những cuộc họp trao đổi thông tin với khách hàng, vì vậy, kỹ năng Nghe - Nói tiếng Anh cần phải được chú trọng phát triển hơn cả.
- Nắm rõ được cách vận hành của hệ thống, kiến thức cơ bản về dự án và hiểu được mong muốn của khách hàng để đưa ra các giải pháp tốt nhất cho khách hàng.
- Có kỹ năng phân tích, xử lý tình huống, vấn đề một cách “khôn khéo” và khả năng chịu áp lực cao.
- Chuẩn bị kiến thức đa chiều, đa ngành lĩnh vực và ngành nghề để có khả năng đàm phán, thuyết phục mạnh mẽ với khách hàng để đem về lợi nhuận, mở rộng thị trường của công ty.
- Biết cách xử trí cũng như duy trì mối quan hệ giữa nội bộ và khách hàng để đạt hiệu quả và năng suất cao nhất, nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cũng như đưa bản thân mình lên tầm cao mới.
Hy vọng qua bài viết này, những bạn đang “dấn thân” vào ngành nghề này càng thêm vững vàng và giúp những bạn đang chuẩn bị xây dựng cho mình một tương lai xán lạn!