QA VÀ QC TRONG IT KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?
Cùng liên quan đến yếu tố Chất lượng do có chung chữ đầu là Quality, QA và QC đôi khi vẫn hay bị nhầm lẫn là một công việc chung chung hoặc chỉ khác nhau bởi tên gọi. Thực chất, để hiểu tường tận hơn, đầu tiên, ta nên tìm hiểu QA và QC là công việc như thế nào và có vai trò gì trong một công ty, doanh nghiệp. Từ đó, ta có thể hình dung ra được sự liên kết chặt chẽ và tầm quan trọng của từng vị trí trong một bộ máy "hái ra tiền", đặc biệt là ngành IT. Chúng ta hãy đi vào bài viết để nắm rõ hơn nhé!

QA là gì?
QA (Quality Assurance)
Là người đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm, QA sẽ tổng hợp và phân tích được những báo cáo đánh giá cụ thể quy trình làm việc tổng thể. Từ đó, họ sẽ đúc kết ra được những nhận định và tham mưu cho ban lãnh đạo để có thể thay đổi, đáp ứng kịp thời tiến độ hoàn thành dự án, tránh các rủi ro nhỏ nhặt dẫn đến ảnh hưởng nặng nề đến công việc.
Nhiệm vụ chính của QA:
- Tiếp nhận các yêu cầu của khách hàng và thực hiện xây dựng quy trình làm việc, bảo đảm tiêu chuẩn được đề ra phù hợp với nhu cầu khách hàng cũng như năng lực của Công ty.
- Thiết lập mô hình và có các thử nghiệm, từ đó có thể lựa chọn được những giải pháp tối ưu nhất.
- Tổng hợp và báo cáo chất lượng của sản phẩm cho ban lãnh đạo và khách hàng với mục đích thống nhất chất lượng đầu ra của sản phẩm.
QC là gì
QC (Quality Control)
Là người có trọng trách kiểm soát chất lượng đầu ra của sản phẩm, khác với QA, QC sẽ ở vị thế khách hàng thay vì QA. Những nhân viên với “vai trò cao cả” này sẽ là người thử nghiệm, "vạch lá tìm sâu", trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm để từng khâu đảm bảo đúng tiêu chuẩn đã đề ra.
Cụ thể hơn, QC sẽ có các nhiệm vụ:
- Bám sát từ đầu đến cuối chu trình sản xuất ra sản phẩm để có thể tìm được lỗi trong từng khâu để kịp thời báo cáo và sửa chữa không ảnh hưởng đến những công đoạn sau.
- Xử lý sự cố khi gặp lỗi và đảm bảo năng suất làm việc của các khâu trong suốt quá trình tạo ra sản phẩm.
- Am hiểu tường tận sản phẩm để giải thích và nghiên cứu cùng khách hàng trong việc cải tiến sản phẩm.
Liệu một QA có thể kiêm nhiệm QC hoặc ngược lại?
Kỳ thực, đại đa số người vẫn còn mơ hồ về tính chất giống nhau hay khác biệt giữa 2 vị trí này. Với sự phân tích về các khác biệt đặc trưng của QA và QC, về cơ bản, QA và QC đều có chung một mục đích chính: Đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu khách hàng và tiêu chí chung của công ty.
Tại các doanh nghiệp mang tầm nhìn rộng lớn và có tệp khách hàng đa dạng, sự rạch ròi trong giai đoạn phân công công việc và nhiệm vụ cụ thể của mỗi nhân viên là vô cùng quan trọng. Cho nên, để có thể tối ưu, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tài chính và đạt năng suất cao nhất, mọi bộ phận đều mang giá trị như nhau dù công việc khác nhau. Hai người một việc, hai việc một người sẽ không thể và không bao giờ so sánh bằng việc mỗi người mỗi việc, đảm bảo sự tập trung và một liên kết nội bộ bền vững.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu hơn về QA và QC để có một hướng đi tốt, một tầm nhìn dài hạn và phù hợp với sở thích phục vụ cho tương lai!