Cách tăng level từ Junior lên Senior mà Developer không nên bỏ qua
Bạn mới bắt đầu đặt chân vào công việc lập trình và không biết làm sao để có thể thăng tiến trong sự nghiệp của mình? Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích và các kỹ năng cần có để các junior developer có thể tăng level nhanh chóng.

1. Điểm khác biệt giữa Senior và Fresher/Junior Developer:
Trình độ chuyên môn
Điểm khác biệt lớn nhất giữa các level chính là tư duy giải quyết vấn đề. Nếu như ở những vị trí như Fresher hay Junior chỉ yêu cầu về việc thực thi, hoàn thành tốt các bài toán được đặt ra, thì lên cao hơn chính là Middle sẽ cần bạn phải đưa ra được những giải pháp tối ưu hơn.
Đối với level Senior Developer, bạn không chỉ phải đưa ra được giải pháp chuẩn xác mà còn cần phải cân bằng được đầy đủ các yếu tố thời gian, nguồn lực, hệ thống,... Và dĩ nhiên để làm được những điều đó, một senior đòi hỏi phải có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mà mình đang làm.
Phạm vi công việc
Nhiều người cho rằng senior không cần phải viết code. Nhưng trên thực tế, Senior sẽ nghiêng nhiều về hướng giải pháp, việc triển khai sẽ được các level fresher/junior thực hiện. Nhưng trong trường hợp không có đủ resource để triển khai thì họ vẫn sẽ code vì bản chất họ vẫn là developer.
Senior Developer thường sẽ tham gia để giải quyết các vấn đề phức tạp. Họ sẽ là người thực hiện những công việc đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ cao hơn, hoặc họ có thể tham gia xây dựng nền tảng của giải pháp và đẩy những phần việc nhẹ nhàng hơn cho các developer ở level dưới.
2. Những kỹ năng cần rèn luyện để trở thành Senior Developer nhanh chóng
- Kĩ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần quan tâm chính là kỹ năng tư duy phân tích và giải quyết vấn đề. Công việc của senior thường phải đưa ra giải pháp, để làm được điều đó, một senior developer đòi hỏi cần phải rèn dũa cho mình khả năng phân tích bài toán và tư duy logic phù hợp.
- Kỹ năng thứ 2 là giao tiếp. Một Senior developer thường xuyên phải trình bày giải pháp của mình cho các bên tech và non-tech như techlead, PM, khách hàng,... vì vậy khả năng giao tiếp là cần thiết. Một Senior Developer cần phải thể hiện được hiểu biết và giải pháp của mình thông qua các tài liệu kỹ thuật như là flowchart, sequence diagram, database design diagram,…
- Kỹ năng thứ 3 là nghiên cứu tài liệu (research). Trong công việc sẽ thường xuyên xảy ra những bài toán khó không nhiều người giải được, và bạn cần tìm kiếm nhiều thông tin rải rác trên mạng để tổng hợp lại thành câu trả lời hoàn chỉnh của mình. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng research: tìm kiếm, phân tích, tổng hợp thông tin của lập trình viên.
- Kỹ năng thứ 4 là kỹ năng tự học. Sự thật là nghề lập trình gắn với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin. Đặc thù xu hướng công nghệ cập nhật từng ngày đòi hỏi lập trình viên cũng phải lên kế hoạch update bản thân tương ứng. Quá trình này ban đầu sẽ rất khó khăn, yêu cầu bạn phải thực sự nghiêm túc và chăm chỉ. Nhưng đừng lo lắng, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn theo thời gian, khi mà bạn đã gom góp đủ lượng kiến thức nhất định.
Từ fresher developer tới senior developer không liên quan đến việc bạn làm bao lâu mà quan trọng bạn đã tích lũy kiến thức và kinh nghiệm đủ sâu hay không. Vì vậy bạn hãy chăm chỉ và cố gắng trau dồi để có thể thăng tiến nhanh trong sự nghiệp nhé!